TRẺ HỌC NGÔN NGỮ THỨ HAI NHƯ THẾ NÀO
Vào những năm 1970, tại một nhà trẻ, người giữ trẻ đã khuyên một bà mẹ người Mỹ nhập cư gốc Mexico, dừng việc nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha với con ở nhà. Lí do họ lo lắng là vì ở tuổi lên 2, đứa trẻ đó không nói được nhiều như các bạn cùng trang lứa. Vì sợ rằng chính bà đang gây hại cho con, bà mẹ ấy đã ngay lập tức dừng nói chuyện với con bằng tiếng Tây Ban Nha, và chỉ sử dụng tiếng Anh.
Đứa trẻ ấy không phải là trường hợp duy nhất trải qua chuyện này. Tại thời điểm đó, có một quan niệm phổ biến cho rằng việc tiếp xúc với hơn một ngôn ngữ dễ làm trẻ bị lẫn lộn và có thể dẫn tới việc trẻ bị chậm phát triển. Kể từ những năm 1970, nghiên cứu về phát triển song ngữ đã có những bước tiến đáng kể. Hiện nay đã có nhiều hơn những thông tin về quá trình phát triển song ngữ và rất nhiều những lợi ích của nó đối với trẻ em. Trải nghiệm của đứa trẻ đó và của rất nhiều trẻ em trong các gia đình nhập cư khác đã nêu bật tầm quan trọng của việc cung cấp cho các bậc phụ huynh những nghiên cứu có chất lượng và cập nhật nhất để họ có thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho con em mình.
Trẻ em học ngôn ngữ thứ hai như thế nào?
Nhìn chung, trẻ có thể học ngôn ngữ thứ hai theo hai cách: đồng thời hoặc tuần tự (McLaughlin et al, 1995; Tabors, 2008.).
Học ngôn ngữ thứ hai đồng thời
Người học theo cách đồng thời bao gồm những trẻ em dưới 3 tuổi tiếp xúc với hai ngôn ngữ cùng một lúc. Đối tượng này có thể bao gồm những đứa trẻ đang tiếp xúc với một ngôn ngữ mà cha mẹ chúng dùng ở nhà và một ngôn ngữ khác dùng bởi những người giữ trẻ hoặc giáo viên ở trường. Những người học ngôn ngữ theo cách đồng thời cũng có thể là những đứa trẻ có cha mẹ nói những ngôn ngữ riêng biệt với chúng ở nhà (ví dụ, mẹ nói tiếng Tây Ban Nha, bố nói tiếng Trung Quốc).
Trước 6 tháng tuổi, người học đồng thời học cả hai ngôn ngữ với tốc độ như nhau và không thiên về một ngôn ngữ nào trong hai ngôn ngữ. Điều này là do chúng đã hình thành những hệ thống ngôn ngữ tuy riêng biệt nhưng lại mạnh như nhau trong não bộ cho mỗi ngôn ngữ mà chúng nghe thấy. Những hệ thống riêng biệt này cho phép trẻ học hơn một ngôn ngữ mà không bị lẫn lộn. Trên thực tế, lộ trình trong não bộ mà trẻ phát triển để học từng ngôn ngữ mà chúng nghe được là giống với lộ trình được phát triển bởi những đứa trẻ mà chỉ tiếp xúc với tiếng Anh.
Từ lúc 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu nhận thấy sự khác biệt giữa các ngôn ngữ và có thể bắt đầu thích ngôn ngữ mà chúng nghe nhiều hơn so với ngôn ngữ còn lại. Điều này có nghĩa là các bậc cha mẹ phải cẩn thận để cung cấp cho trẻ lượng tiếp xúc tương đương nhau đối với cả hai ngôn ngữ; nếu không, trẻ có thể bắt đầu quên những từ vựng của ngôn ngữ mà chúng ít được tiếp xúc hơn (Espinosa, 2008; Kuhl, 2004; Kuhl et al, 2006;. Tabors, 2008).
Lợi ích về mặt nhận thức của việc phát triển ngôn ngữ đồng thời
Có rất nhiều lợi ích về mặt nhận thức của trẻ khi được tiếp xúc đồng thời với nhiều hơn một ngôn ngữ. Chẳng hạn như, chúng có hoạt động nơ-ron cao hơn và mật độ các biểu mô dày đặc hơn ở các vùng não liên quan đến trí nhớ, sự tập trung, và ngôn ngữ so với trẻ chỉ học một ngôn ngữ. Các chỉ số này có liên hệ chặt chẽ với những kết quả tích cực về nhận thức trong dài hạn của trẻ (Bialystok 2001, Mechelli et al, 2004;. Kovelman, Baker, & Petitto, 2006).
Những người học ngôn ngữ thứ hai tuần tự
Người học tuần tự bao gồm những đứa trẻ đã quen thuộc với một ngôn ngữ, nhưng sau đó được giới thiệu hoặc được yêu cầu học một ngôn ngữ thứ hai. Ví dụ điển hình của việc học tuần tự là khi một đứa trẻ không biết tiếng Anh tham gia vào một lớp học mà tiếng Anh chiếm ưu thế.
Không giống như việc học ngôn ngữ đồng thời, học ngôn ngữ tuần tự có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như tính khí hay động lực của trẻ.
Bốn giai đoạn của học tuần tự ngôn ngữ thứ hai
Giai đoạn I: Sử dụng ngôn ngữ ở nhà
Trong vài ngày đầu tiên, trẻ có thể vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình ngay cả khi những người khác không hiểu chúng.
Giai đoạn II: Giai đoạn im lặng
Sau khi trẻ nhận thấy việc giao tiếp bằng ngôn ngữ đầu tiên không được, chúng sẽ bước vào một giai đoạn im lặng khi hầu như chúng không nói gì cả và dựa nhiều vào các phương tiện phi ngôn ngữ để giao tiếp với người khác. Với trẻ càng ít tuổi, giai đoạn im lặng này có thể càng kéo dài.
Giai đoạn III: Ngôn ngữ dạng công thức và điện báo
Trẻ sẽ bắt đầu nói chuyện bằng ngôn ngữ mới hoặc ngôn ngữ thứ hai. Trong giai đoạn này, chúng sẽ chỉ nói những cụm từ (ví dụ, Me Down) hoặc bằng cách lặp lại lời của những người khác.
Giai đoạn IV: Sinh ngữ
Tại thời điểm này, trẻ đã sẵn sàng bày tỏ suy nghĩ và xây dựng các câu của riêng mình. Ban đầu, các câu có thể rất cơ bản hoặc không chính xác về ngữ pháp; tuy nhiên, điều này sẽ được cải thiện theo thời gian.
Phụ huynh của trẻ học song ngữ không nên lo lắng khi con mình thể hiện bất kỳ hành vi nào như trên (ví dụ như thời gian im lặng). Những hành vi này là phổ biến đối với trẻ đang học một ngôn ngữ thứ hai. Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ bắt đầu học một ngôn ngữ thứ hai trước 6 hoặc 7 tuổi sẽ có nhiều khả năng nói ngôn ngữ mới như một người bản xứ hơn so với những đứa trẻ chỉ bắt đầu học sau 6 hoặc 7 tuổi (Bongaerts, 2005).
Lợi ích của việc học nhiều hơn một ngôn ngữ
Các nghiên cứu ủng hộ mạnh mẽ những lợi ích của việc học song ngữ đối với việc phát triển khả năng ngôn ngữ, khả năng đọc viết, và sự phát triển về mặt xã hội và nhận thức của trẻ. Ví dụ, những đứa trẻ song ngữ có kết quả tốt hơn so với trẻ học đơn ngữ khi được đánh giá về khả năng phân tích, sự hình thành khái niệm, tính linh hoạt về mặt nhận thức, hay các kĩ năng siêu ngôn ngữ (Espinosa, 2008; Hakuta, Ferdman, & Diaz, 1987; Roseberry-McKibbin & Brice, 2005).
Trong khi một số giáo viên và phụ huynh tin rằng để thành công trong học tập tại Mỹ, tất cả trẻ em phải học tiếng Anh một cách nhanh nhất có thể, các nghiên cứu đã chứng minh điều ngược lại. Trên thực tế, bằng chứng cho thấy những đứa trẻ mà tiếp tục học các khái niệm khoa học bằng tiếng mẹ đẻ trong khi dần dần học tiếng Anh có thành tích tốt hơn cả trong học tập và xã hội so với những đứa trẻ học theo các chương trình chỉ sử dụng tiếng Anh (Chang et al, 2007; Restrepo & Kruth, 2003).
Phụ huynh có thể hỗ trợ việc phát triển song ngữ như thế nào?
Hãy chắc chắn rằng những môi trường mà bạn dùng để giới thiệu ngôn ngữ cho trẻ phải có tác dụng nuôi dưỡng ngôn ngữ cho trẻ, cho dù đó là một trường học, một chương trình mầm non, hay ở nhà (Tabors, 2008). Hãy lựa chọn một chương trình giáo dục mà chấp nhận và ủng hộ việc học song ngữ.
Nếu con bạn đang học ngôn ngữ thứ hai theo cách tuần tự, hãy chọn một chương trình cho phép trẻ được tiếp tục học các khái niệm học thuật trong ngôn ngữ mẹ đẻ đồng thời với việc dần dần học ngôn ngữ thứ hai hoặc ngôn ngữ mới (Copple & Bredekamp, 2008).
Hãy cố gắng dành thời gian và/ hoặc kỹ năng của bạn trong lớp học của trẻ. Điều này sẽ tạo cơ hội cho trẻ học song ngữ được giao tiếp bằng ngôn ngữ ở nhà hàng ngày. Dạy cho cả lớp hoặc các giáo viên những từ vựng hay vần điệu bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn, qua đó tạo thêm cơ hội thực hành ngôn ngữ thứ hai cho tất cả những đứa trẻ. (Espinosa, 2008).
Hãy chuẩn bị tinh thần cho khả năng là con bạn có thể sẽ thể hiện sự thờ ơ đối với tiếng mẹ đẻ của chúng. Hãy giúp trẻ tìm lại sự yêu thích dành cho tiếng mẹ đẻ bằng cách nói với chúng về tầm quan trọng của việc phát triển song ngữ.
Tổ chức các hoạt động gia đình vui vẻ nhằm tạo cơ hội cho trẻ nói chuyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, ví dụ như đọc sách, ca hát, hay chơi các trò chơi. Đưa trẻ đến tham dự các hoạt động mà yêu cầu trẻ phải nói ngôn ngữ mẹ đẻ, chẳng hạn như các buổi họp đại gia đình hoặc sinh hoạt cộng đồng (Tabors, 2008).
Phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ cho việc phát triển song ngữ của trẻ. Quan niệm cho rằng trẻ em học học ngôn ngữ một cách tự nhiên và hoàn toàn không cần mất công sức gì để ghi nhớ và duy trì kiến thức ngôn ngữ là hoàn toàn sai lầm. Việc phát triển song ngữ đòi hỏi sự nỗ lực có ý thức, sự củng cố và hỗ trợ của cả cha mẹ, giáo viên, và các thành viên gia đình (Tabors, 2008).
Tác giả: Tiến sĩ Linda C. Halgunseth